Cách hấp cua biển ngon ngọt, chắc thịt, không bị rụng chân tại nhà siêu đơn giản

Cách hấp cua biển ngon ngọt, chắc thịt, không bị rụng chân tại nhà siêu đơn giản

18/03/2022

Cách hấp cua biển sao cho ngon ngọt, chắc thịt và đặc biệt là không bị rụng chân đang là thắc mắc của rất nhiều người. Cua biển được coi là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, thơm ngon giúp bữa cơm gia đình thêm phần đặc sắc, một trong những cách thưởng thức thịt cua biển ngon nhất đó chính là hấp. Hãy cùng Barona xuống bếp để khám phá ngay bí quyết hấp cua biển ngọt, đơn giản ngay tại nhà dưới đây nhé.

NỘI DUNG CHÍNH

1. Nguyên liệu dùng hấp cua biển

  • 2 con cua biển

  • ½ lon bia

  • 1 củ hành tây nhỏ

  • 1 nhánh gừng

  • 1 cây sả

  • 1 quả ớt

  • Hành lá, cà chua, rau mùi tàu.

  • Gia vị: Tiêu xay, hạt nêm

2. Cách hấp cua biển

Cua biển rất giàu canxi, chất đạm, magie và omega 3 là các chất rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ xương khớp và hệ tim mạch. Việc bổ sung cua biển vào khẩu phần ăn hằng ngày sẽ giúp gia đình bạn luôn được mạnh khỏe và giúp các bé phát triển toàn diện. Hơn nữa, cách hấp cua biển cũng rất đơn giản, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu thì chúng ta hãy đi vào thực hiện làm món cua biển hấp theo các bước như sau:

Bước 1: Làm sạch cua biển

Cua biển sau khi mua về, bạn rửa sơ qua với nước sạch. Bạn dùng bàn chải hoặc búi đánh nồi chà sát lên thân cua để làm sạch hết cáu bẩn và đất cát.

Tiếp theo, bạn lật ngửa con cua lên, lấy dao lập phần yếm cua, phần ở dưới là ức cua có một cái lỗ nhỏ. Bạn dụng mũi nhọn của kéo hoặc dao để đâm vào phần tim của cua. Khi đó, con cua sẽ co càng, chân, giãy giụa thêm khoảng 30 giây rồi tê liệt, không cử động nữa. Đây là cách để cho cua biển không bị gãy chân khi hấp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho cả con cua biển vào hộp hoặc túi sạch trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút để khiến con cua bị tê liệt. Với cách này thì bạn không lo bị cua kẹp vào tay mà cũng rất hiệu quả trong việc ngăn cua biển bị rụng chân khi hấp.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Hành tây bạn hãy bỏ vỏ, bổ múi cau. Nếu muốn khi cắt hành tây không bị cay mắt thì bạn hãy chuẩn bị một chậu nước sạch và cắt hành tây ở dưới nước, sau đó vớt ra để ráo.

Gừng bạn dùng cùi thìa bỏ vỏ rồi thái nhỏ. 

Sả rửa sạch, bóc phần bẹ già bên ngoài rồi đập dập.

Quả ớt, bạn rửa sạch, bỏ cuống rồi bỏ hạt cắt nhỏ. 

Hành lá bạn rửa sạch cắt khúc, có thể chuẩn bị thêm rau mùi và cà chua để trang trí thêm nếu thích. 

Rau mùi rửa sạch và để ráo nước. Cà chua tỉa theo hình hoa cho đẹp mắt.

Bước 3: Hấp cua biển

Bạn hãy xếp cua vào 1 cái đĩa sâu lòng, rắc các nguyên liệu vừa sơ chế gồm có: hành tây, gừng băm, sả, hành, ớt, tiêu xay và hạt nêm vào. Tiếp theo, bạn đổ bia lên mình cua. Cho vào nồi rồi bắc lên bếp đun cho sôi, rồi hạ lửa về mức trung bình.

Đến khi cua được hấp chín phần trên bằng hơi bia cho đến khi phần mai cua và cả con cua biển đã chuyển sang màu cam đẹp mắt rồi là cua đã chín, thường là trong khoảng 10 phút, tuy nhiên thời gian hấp cũng tùy thuộc vào loại cua to hay nhỏ.

Thành phẩm

Bạn xếp cua ra đĩa, đổ thêm vài thìa nước bia trong nồi hấp lên mình cua cho khỏi khô và trang trí thêm một ít hành, ngò và cà chua hoặc là bất kỳ loại rau củ nào để trang trí đĩa cua thêm cho bắt mắt. 

Khi thưởng thức cua biển nóng hổi thơm nồng mùi hương của sả và gừng,  bạn sẽ cảm nhận được thịt cua vị ngọt mềm nhưng vẫn giữ nguyên được độ dai giòn rất hấp dẫn, ăn cua biển chấm kèm cùng với nước chấm muối ớt xanh, muối tiêu chanh hoặc sốt sa tế,...thì không ai có thể cưỡng lại được.

3. Cách chọn cua biển tươi, chắc thịt

  • Có 2 loại cua biển là cua gạch và cua thịt. Cua gạch là cua cái phần dưới đít cua có gạch đỏ đầy tràn và có hình yếm vuông lớn là cua ngon, nhiều gạch. Còn cua thịt là cua đực, yếm hình tam giác và có phần yếm nhỏ.

  • Bạn chọn những con cua còn khỏe, khi bóp vào thân cua có thấy sủi bọt khí. Không nên mua cua đông lạnh, cua chết hoặc bị ngột khi hấp sẽ bị nhão thịt, ăn không ngon.

  • Những con cua biển trưởng thành chắc thịt và nhiều gạch thì những gai ở trên mai cua càng to, dài và trông cứng cáp hơn những con cua biển còn non.

  • Bạn nên chọn những con cua biển có càng to khỏe, mặt dưới của càng và bụng cua có màu cam nâu sẫm và có độ bóng.

4. Ăn cua biển có tốt cho sức khoẻ không?

  • Thịt cua biển rất giàu axit béo omega-3 giúp cân bằng mức cholesterol, làm giảm đông máu và thúc đẩy quá trình chống viêm khắp cơ thể. Đ

  • Cua biển có tác dụng làm giảm huyết áp, giảm căng thẳng cho tim mạch và ngăn ngừa sự bệnh xơ vữa động mạch.

  • Thịt cua biển có nhiều chất dinh dưỡng bao gồm vitamin B12 và folate có tác dụng làm giảm nguy cơ thiếu máu do cơ thể bị thiếu vitamin.

  • Các chất dinh dưỡng và chất khoáng thiết yếu trong thịt cua biển còn có thể làm giảm các vấn đề về viêm khớp và các vấn đề về hệ tiêu hóa.

  • Cua biển là nguồn cung cấp canxi dồi dào rất tốt cho sự phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ.

  • Ngoài ra, trong thịt cua có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp cải thiện đáng kế chức năng của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

5. Nên lưu ý điều gì khi ăn cua biển?

  • Cua biển có khả năng gây dị ứng rất cao nên đối với những ai chưa từng ăn cua biển thì trong lần ăn đầu tiên chỉ ăn một lượng vừa phải để xem khả năng thích ứng của cơ thể. Nếu không bị dị ứng thì các lần tiếp theo mới có thể ăn nhiều lên.

  • Nếu chế biến cua biển không đúng cách có thể gây ra các bệnh nhiễm khuẩn cầu trùng, nhiễm khuẩn đường ruột,…

  • Cua biển có tính hàn mạnh, vì thế nếu ăn nhiều rất dễ bị lạnh bụng, đau bụng, thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn đến bệnh tiêu chảy.

  • Những người như sau không nên ăn cua biển: người bị bệnh gout, người mắc bệnh thận, người bị bệnh gan, người hay bị dị ứng với hải sản,…

Trên đây là những chia sẻ về các cách hấp cua biển, hy vọng đã giúp các bạn tự chế biến món này thành công tại nhà. Ngoài ra, nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích thì hãy chia sẻ đến những người cùng chung sở thích nấu ăn gống bạn nhé!

2366 Lượt xem