Cách nấu xôi gấc đỏ, dẻo ngon, vô cùng hấp dẫn và dễ làm
Xôi gấc không chỉ là một món ăn ngon mà còn là tượng trưng của sự may mắn, lòng biết ơn thế nên món xôi này luôn không thể thiếu trong các mâm cơm thắp hương vào các dịp lễ Tết hay các ngày đặc biệt như cưới hỏi, ngày giỗ, … Hãy cùng Barona khám phá các cách nấu xôi gấc ngon và lên màu đẹp nhất qua bài viết này nhé.
1. Cách nấu xôi gấc truyền thống
Xôi gấc truyền thống có màu đỏ của sự may mắn. Cách nấu xôi gấc cũng hoàn toàn không khó, gạo nếp đồ thành xôi dẻo, thấm vị thơm, đặc biệt là kết hợp với sắc đỏ tự nhiên của gấc khiến món xôi này trở nên hấp dẫn.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
-
Gạo nếp: 1kg
-
Gấc chín: 1 quả
-
Đường kính trắng: 2 thìa canh
-
Rượu trắng: 2 thìa canh
-
Muối: 1 thìa cà phê
-
Dầu ăn: 1/2 thìa canh
-
Dụng cụ: nồi hấp hoặc nồi cơm điện
1.2. Hướng dẫn cách nấu xôi gấc truyền thống
Đây là cách nấu xôi đơn giản nhất so với xôi gấc cốt dừa, nhưng nếu như không biết bí quyết đồ xôi thì xôi rất dễ bị nát và lên màu không được đẹp. Để nấu món xôi này bạn hãy thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Vo và ngâm gạo: Gạo nếp bạn hãy vo nhẹ rồi rửa thật sạch với nước 2 lần rồi đổ gạo vào một chiếc chậu lớn, sau đó bạn hãy đổ nước lạnh vào chậu cho đến khi ngập mặt gạo, ngâm trong vòng 6-7 tiếng để gạo nở ra. Tiếp theo, bạn xả lại gạo với nước rồi cho ra một chiếc giá sạch và để ráo nước.
Lấy thịt gấc: Bạn bổ đôi quả gấc chín rồi dùng thìa lấy hết phần thịt gấc đỏ cho vào 1 cái bát tô sạch, bỏ đi phần vỏ gấc. Tiếp theo, bạn hãy cho vào 2 thìa canh rượu trắng vào tô thịt gấc. Sau đó, bạn đeo bao tay vào và thực hiện bóp nhẹ để tách hết phần thịt gấc ra khỏi hạt. Loại bỏ hết phần hạt gấc, chỉ giữ lại phần thịt gấc để nấu xôi.
Bước 2: Trộn gạo nếp với gấc
Bạn hãy cho hết phần thịt gấc vừa lấy xong vào với gạo nếp rồi thêm vào 1 thìa nhỏ muối rồi dùng tay đảo đều cho gấc quyện đều vào gạo cho gạo nếp chuyển sang màu đỏ của gấc. Để ngâm khoảng 30-60 phút để gạo ngấm đều gấc thì đến công đoạn nấu xôi.
Bước 3: Nấu xôi gấc
Bạn có thể nấu xôi gấc bằng cách hấp cách thủy với nồi nấu xôi chuyên dụng hoặc nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện.
Cách 1: Hấp cách thủy
Bạn cho nước vào nồi nấu xôi với lượng nước bằng ⅓ chiều cao nồi là được. Tiếp theo cho gạo nếp đã trộn với gấc vào xửng hấp. Bật bếp lên hấp trong 30 đến 45 phút đến khi xôi chín. Khi thấy xôi đã chín mềm, bạn dùng đũa xới đều xôi cho tơi xốp.
Bạn cho vào 2 thìa canh đường trắng vào trộn đều lên. Để tạo ra được độ bóng đẹp cho xôi gấc khi nấu xong thì bạn hãy cho tiếp ½ thìa canh dầu ăn vào, trộn đều lên rồi hấp tiếp xôi thêm 10 phút nữa. Khi thấy xôi gấc đã chín mềm và dẻo, bạn hãy nhấc xửng ra khỏi bếp. Bạn cho xôi gấc ra khuôn để tạo hình cho đẹp hoặc cho ra đĩa và thưởng thức.
Cách 2: Nấu xôi bằng nồi cơm điện
Cho tất cả gạo nếp đã ướp gấc vào nồi cơm điện. Đổ nước xâm xấp mặt gạo rồi bạn bật nút "Cook" nấu xôi. Khi xôi đã chín mềm và nồi nhảy về nút "Warm" thì cho vào một thìa canh dầu ăn vào. Đậy vung lại và bật lại nút cook, khi nồi cơm điện bật lại chế độ Warm là xôi gấc đã chín.
Bước 4: Thành phẩm
Món xôi gấc nóng hổi, màu đỏ tươi của gấc cho mâm cơm thêm phần đậm đà, ấm cúng. Xôi dẻo thơm khiến ai cũng phải tấm tắc khen ngon.
2. Cách nấu xôi gấc đậu xanh 3 tầng
Xôi gấc đậu xanh 3 tầng được coi là một món xôi vô cùng đặc biệt thường xuất hiện trên các mâm cỗ thể hiện sự chỉnh chu, sang trọng. Món xôi này không chỉ thơm ngon mà cách nấu cũng rất đơn giản.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
-
Gạo nếp: 1kg
-
Gấc chín đỏ: 500gr
-
Đậu xanh cà vỏ: 200gr
-
Đường trắng: 100gr
-
Muối: 1 muỗng cà phê
-
Dầu ăn: 20ml
-
Rượu trắng: 20ml
2.2. Hướng dẫn cách nấu xôi gấc đậu xanh 3 tầng
Xôi gấc 3 tầng khác với xôi gấc truyền thống là trên đĩa xôi gấc 3 tầng sẽ có 1 tầng giữa 2 tầng gấc là đậu xanh hấp rất ngậy, thơm ngon.
Bước 1: Bạn vo gạo nếp và ngâm gạo với nước lạnh khoảng 6-7 tiếng để gạo nở ra rồi cho ra giá để ráo. Bạn lấy hết phần thịt gấc rồi trộn với 2 thìa rượu trắng, bóp thịt gấc cho nhuyễn và bỏ đi phần hạt gấc. Trộn gạo với thịt gấc.
Bước 2: Đậu xanh nghiền đôi, ngâm với nước khoảng 3-5 tiếng rồi vo nhẹ, đãi sạch vỏ. Rửa thật sạch với nước rồi cho ra giá sạch để ráo.
Bước 3: Cho gạo vào xửng hấp, hấp xôi khoảng 40 phút cho xôi chín thì cho thêm đường rồi đậy nắp hấp thêm 5 phút nữa cho đường tan và ngấm vào xôi rồi cho ra mâm hoặc bát to.
Bước 4: Cho hết đậu xanh vừa ngâm vào xửng hấp khoảng 30 phút cho đến khi đậu xanh chín đều và nở ra. Cho đậu canh ra tô, cho thêm vào 20g đường đánh đều cho đậu xanh nhuyễn mịn và quyện vào nhân với đường là được.
Bước 5: Tạo hình xôi gấc 3 tầng. Bạn quét 1 lớp dầu vào khuôn xôi rồi cho vào 1 lớp xôi gấc 1 lớp đậu xanh ở giữa và 1 lớp xôi gấc cuối cùng nén thật chặt rồi ép ra đĩa. Bạn có thể rải ít hạt mè rang lên cho thơm.
3. Cách nấu xôi gấc nước cốt dừa
Xôi gấc nước cốt dừa có vị ngậy của gấc, vị dẻo của gạo nếp cùng vị béo thơm của nước cốt dừa vô cùng hấp dẫn.
3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
-
Nếp bắc: 2 bát
-
Gấc chín: 1 quả khoảng 200gr
-
Nước cốt dừa: 150ml
-
Đường: 1 muỗng canh
-
Muối: 1/2 muỗng cà phê
-
Rượu trắng: 5ml
-
Lá dứa: 5 lá
3.2. Hướng dẫn cách nấu xôi gấc nước cốt dừa
Cách nấu xôi gấc cốt dừa cũng không khác nhiều so với cách nấu xôi gấc truyền thống chỉ là cho thêm nước cốt dừa vào xôi rất đơn giản.
-
Bước 1: Bạn vo gạo nếp và ngâm gạo với nước lạnh khoảng 6-7 tiếng để gạo nở ra rồi cho ra giá để ráo. Bạn lấy hết phần thịt gấc rồi trộn với 2 thìa rượu trắng, bóp thịt gấc cho nhuyễn và bỏ đi phần hạt gấc. Trộn gạo với thịt gấc.
-
Bước 2: Cho hết gạo vào xửng hấp. Nấu 1 nồi nước sôi rồi cho xửng nếp vào hấp 10 phút. Tiếp theo, cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều, hấp tiếp 5-7 phút.
-
Bước 3: Cho phần nước cối dừa còn lại vào sôi. Cuối cùng, bạn cho đường vào xới chung hấp thêm 7-8 phút nữa là tắt bếp.
4. Cách nấu xôi gấc hạt sen
Xôi gấc dẻo ngậy kết hợp với hạt sen bùi bùi của hạt sen và vị ngọt nhẹ của đường tạo nên một món món xôi trở nên cực kỳ hấp dẫn.
4.1. Chuẩn bị nguyên liệu
-
Gạo nếp: 500gr
-
Hạt sen: 200gr
-
Gấc chín: 1 quả
-
Muối, đường, dầu ăn, vừng rang
4.2. Hướng dẫn cách nấu xôi gấc hạt sen
Chỉ cần có thêm chút công sức hơn 1 chút ở chỗ là phải làm thêm hạt sen so với cách nấu xôi gấc truyền thống là bạn đã có được một nồi xôi gấc hạt sen dẻo thơm, ngon chuẩn vị.
-
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu, với gạo nếp thì bạn hãy vo sạch rồi ngâm gạo khoảng 5-6 tiếng, cho ra giá cho ráo nước. Với gấc, lấy hết phần thịt gấc đỏ, bóp thịt gấc với rượu trắng, bỏ hạt gấc đen đi. Hạt sen rửa sạch, ngâm với nước khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi vớt ra, để ráo.
-
Bước 2: Cho nước và hạt sen vào nồi, ninh với lửa nhỏ cho hạt sen chín mềm thì đổ ra cho ráo nước.
-
Bước 3: Cho thịt gấc vào với gạo nếp bop thật đều cho gạo thấm hết gấc. Tiếp theo, cho hạt sen vào trộn đều với gạo đã ngâm gấc.
-
Bước 4: Cho hết hỗn hợp vừa trộn vào xửng hấp, dẫn khoảng 30 phút. Trộn đều đường và 2 thìa dầu ăn với xôi, hấp thêm 5 phút đến khi đường tan hết và ngấm vào xôi thì tắt bếp. Cho xôi ra khuôn ép thành hình rồi cho ra đĩa là đã có thể thưởng thức rồi.
5. Cách chọn mua nguyên liệu chất lượng
Nguyên liệu chất lượng là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của món ăn và đối với món xôi gấc cũng vậy, để mua được những nguyên liệu chất lượng bạn cần chú ý một số điều sau:
Cách chọn mua được quả gấc ngon
-
Bạn nên lựa những quả gấc chín đỏ tươi, to tròn, gai nở đều, phần cuống vẫn còn tươi nguyên là những trái gấc ngon.
-
Nếu cầm trên tay gấc lên thấy nặng tay, ấn thấy vỏ hơi cứng là những quả gấc chín ngon. Còn nếu vỏ gấc chỗ mềm chỗ cứng, cuống héo thì đó rất có thể là những quả đã để lâu quả, dễ bị hỏng trong suốt quá trình vận chuyển và lưu giữ.
Cách chọn mua nếp ngon dẻo không bị sượng
-
Bạn nên mua loại gạo nếp có hạt có màu trắng đục, đều và căng bóng, khi ngửi có mùi thơm nhẹ đặc trưng của gạo.
-
Bạn chọn loại nếp cái hoa vàng để nấu xôi, vì loại nếp này thường có độ dẻo cao sẽ ngon hơn.
-
Gạo nếp ngon khi nếm thử hạt nếp sống sẽ có vị ngọt nhẹ.
-
Bạn nên chọn mua nếp ở những nơi uy tín và chất lượng.
-
Không mua nếp khi thấy hạt gạo nếp đã chuyển sang màu vàng nhạt, khi ngửi gạo mùi thơm rất đậm, vì loại nếp này rất có thể đã bị tẩm hóa chất.
6. Một số lưu ý khi làm xôi gấc
-
Khi sơ chế thịt gấc, bạn không nên bỏ lớp màng đỏ ở xung quanh hạt gấc vì nó có chứa rất nhiều chất dầu tự nhiên tương tự như vitamin A, rất tốt với sức khỏe.
-
Để xôi gấc chín đều, mềm và không bị nát thì bạn không nên cho toàn bộ gạo nếp vào chõ hấp cùng 1 lúc mà hãy cho từng nắm vào chõ xôi, đồng thời để trống khoảng 4-5 lỗ nhỏ để hơi bốc lên tỏa đều.
-
Đảm bảo lượng nước hấp xôi hợp lý, khoảng 1/3 nồi hấp xôi là hợp lý, nếu như xôi chưa chính mà nước đã cạn thì bạn hãy cho thêm nước vào để nấu.
-
Khi nấu xôi bằng nồi cơm điện không cần phải đảo xôi nhiều để tránh bị nát.
-
Nếu như bạn muốn xôi gấc mềm hơn thì bạn hãy đồ xôi thành 2 lần. Lần đầu, khi xôi chín thì bạn đơm xôi ra đĩa, chờ nguội. Khi xôi nguội thì bạn cho xôi vào chõ và đồ tiếp lần 2.
Như vậy, bạn có thể thấy có rất nhiều cách nấu xôi gấc ngon, bạn hãy lựa chọn ra cách nấu phù hợp nhất với khẩu vị của gia đình mình cho cả nhà cùng thưởng thức. Ngoài ra, trên website của chúng tôi còn rất nhiều bài viết chia sẻ về cách nấu ăn ngon, bạn hãy lưu lại để thường xuyên tham khảo nhé.