Tổng hợp 4 cách nấu chè cốm thanh mát, ngon chuẩn vị Hà Nội

Tổng hợp 4 cách nấu chè cốm thanh mát, ngon chuẩn vị Hà Nội

27/05/2022

Hướng dẫn bạn cách nấu chè cốm thơm ngọt, thanh mát giải nhiệt cho những ngày oi bức. Thử trổ tài nấu ăn với 5 công thức chế biến chè cốm ngon chuẩn vị Hà Nội 

NỘI DUNG CHÍNH

Chè cốm là món ăn đặc sản thơm ngon mà bạn không thể bỏ lỡ của mùa thu Hà Nội. Cách nấu chè cốm bùi dẻo, ngọt thanh, thơm mát tuy không khó nhưng không phải ai cũng nấu ra được đúng vị. Cùng Barona tìm hiểu làm thế nào để nấu được một bát chè cốm đặc biệt này nhé! 

1. Cách chọn cốm ngon:

Cốm chính là thành phần quan trọng nhất để bát chè của bạn đạt đúng tiêu chuẩn. Những mẹo sau có thể giúp bạn tự tin chọn mua đúng loại cốm non thơm ngon, ngọt dẻo này:

  • Chọn cốm dựa theo màu sắc: Loại cốm tự nhiên thường có màu xanh non như nõn chuối chứ không phải là màu hơi vàng hoặc màu xanh mướt.

  • Chọn cốm dựa theo hình dáng: Bạn nên chọn cốm có hạt chắc, mỏng và dẹt. Nếu cắn thử bạn sẽ thấy vị dai, bùi, ngọt dẻo của cốm non.

  • Chọn cốm dựa theo hương vị: Cốm ngon khi ăn thường có mùi thơm đặc trưng của lúa non. Những hạt cốm bị nhuộm thường sẽ không giữa được hương vị ngọt thơm đặc trưng của cốm non. 

2. Cách nấu chè cốm lá dứa

Cái vị dẻo dẻo, ngọt nhẹ của cốm kết hợp với hương thơm thanh mát của lá dứa tạo nên món chè đặc biệt này. Hãy thử áp dụng cách nấu chè cốm lá dứa sau để chiêu đãi gia đình nhé. 

2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 200g cốm 

  • 2 thìa canh bột năng hoặc bột sắn

  • 50g dừa nạo

  • 100g đường trắng hoặc 150g đường phèn

  • Lá dứa (khoảng 10 lá)

2.2. Hướng dẫn cách nấu chè cốm lá dứa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Cốm mua về đem nhặt bỏ hết hạt xấu, sạn hoặc vỏ cốm còn sót lại rồi rửa với nước sạch và để cho khô ráo.

  • Lá dứa đem rửa thật sạch, cắt thành đoạn ngắn rồi cho vào máy xay sinh tố với khoảng 100ml nước, xay nhuyễn sau đó đổ qua rây chắt lấy phần nước cốt. 

Bước 2: Nấu nước dứa

  • Hoà tan 100g đường trắng hoặc 150g đường phèn với phần nước lá dứa thì đổ vào nồi và bắc lên bếp.

  • Tiếp theo, bạn hãy thêm vào nồi khoảng 150ml nước và khuấy đều tay đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa. Pha loãng bột năng với một ít nước rồi đổ vào nồi và tiếp tục đun liu riu thêm 5 phút nữa.

Lưu ý: 

  • Đừng quên vớt bọt trắng trên bề mặt hỗn hợp nước dứa bạn nhé.

  • Đổ từ từ bột năng vào nồi, nếu hỗn hợp đã đạt độ sệt như bạn mong muốn thì dừng lại.

Bước 3: Nấu chè cốm

  • Cho phần cốm vào nồi hỗn hợp nước cốt dứa vừa nấu xong, rồi khuấy thật đều tay đề chè không bị khét. Chè sôi và hạt cốm mềm dẻo thì bạn có thể nêm nếm lại độ ngọt sao cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.

  • Múc chè ra từng bát, chờ chè nguội rồi rắc lên trên một ít dừa nạo là bạn đã hoàn thành món ăn rồi.

Bước 4: Thành phẩm

Bát chè cốm thanh mát, ngọt dịu lại thêm mùi lá dứa thơm nức, từng thìa chè ngọt thanh hòa quyện cùng hạt cốm dẻo mềm, dừa nạo sợi thì bùi bùi béo béo, cực kỳ thơm ngon. 

3. Cách nấu chè cốm đậu xanh

Món chè cốm đậu xanh không chỉ có hương vị thơm ngon, bùi béo mà còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Tham khảo cách nấu chè cốm dưới đây nhé.

3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 200g cốm 

  • 200g đậu xanh đã cà vỏ

  • 250g đường phèn 

  • Muối

  • 3 thìa bột năng hoặc bột sắn

  • Nửa lon nước cốt dừa

3.2. Hướng dẫn cách nấu chè cốm đậu xanh

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Đầu tiên, bạn mang đậu xanh đi rửa sạch rồi ngâm nước trong khoảng 2-4 tiếng thì đổ ra rổ cho ráo nước.

  • Cốm mua về đem nhặt bỏ hết hạt xấu, bị lép hay bị hỏng và rửa sạch, đổ ra rổ cho ráo.

  • Lấy một cái bát con, hoà tan 3 thìa bột năng với nước lạnh. 

Bước 2: Nấu đậu xanh

  • Cho đậu xanh vào nồi và đổ nước vào sao cho mặt nước cao hơn mặt đậu xanh tầm 3-4cm. Bật bếp ninh đậu trong khoảng 20 phút.

  • Khi đậu xanh đã chín mềm thì cho một nhúm muối và đường vào rồi khuấy đều cho tan hết. Sau đó bạn tiếp tục đun hỗn hợp này thêm tầm 5 phút thì chuẩn bị cho cốm vào.

Lưu ý: Bạn hãy vớt bọt trắng nổi trên bề mặt nước khi sôi để món chè của mình được trong hơn nhé.  

Bước 3: Nấu chè cốm

  • Sau khi đun xong đậu xanh, bạn đổ tiếp cốm vào nồi và khuấy đều tay để các nguyên liệu được hòa quyện với nhau. Nêm nếm lại độ ngọt nhạt cho vừa khẩu vị của bạn rồi đợi chè sôi thì tắt bếp. 

  • Múc chè ra bát, rưới nước cốt dừa và rải một ít dừa nạo lên trên là bát chè đã sẵn sàng để cho bạn thưởng thức rồi đó.

Bước 4: Thành phẩm

Bát chè thơm phức mùi đậu xanh và cốm non, dẻo dẻo bùi bùi lại thêm một chút vị béo ngậy của nước cốt thật hấp dẫn phải không nào! Bạn có thể thưởng thức ngay khi chè còn đang ấm nóng hoặc cho vào tủ mát đợi chè lạnh thì thưởng thức sau.

Mẹo chọn đậu ngon: Bạn có biết rằng để làm nên một bát chè ngon thì việc chọn mua và chế biến đậu xanh cũng rất quan trọng không? Nhanh tay lưu lại những mẹo sau để không phải đắn đo mỗi khi đi mua nha! 

  • Chọn đậu xanh dựa theo màu sắc: Đậu xanh chất lượng sẽ có màu xanh lục tươi sáng, phần bụng có đốm trắng, đặc biệt trông vẫn tươi mới, không quá cũ.

  • Chọn đậu xanh dựa theo hình dạng: Hạt đậu xanh ngon là những hạt có hình bầu dục, trông sáng bóng, láng mịn, không bị trầy xước quá nhiều. Đồng thời, hai đầu của đậu nhìn khá tròn trĩnh còn phần  thân thì mập mạp. 

  • Chọn đậu xanh dựa theo mùi vị: Thông thường, đậu xanh ngon sẽ thoang thoảng hương thơm tự nhiên đặc trưng của đậu.

4. Cách nấu chè cốm bưởi

Chỉ với 3 bước đơn giản là bạn đã có ngay một bát chè cốm thanh mát, ngon chuẩn bị Hà Nội. Bạn đã sẵn sàng chưa!

4.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

Nguyên liệu nấu chè:

  • 150g cốm 

  • 200g cùi bưởi đã xử lý

  • 50g bột năng

  • 20g bột sắn

  • 300g đường phèn

  • ½ thìa cà phê muối

  • Lá dứa

  • Nước cốt dừa 

Nguyên liệu chế biến cùi bưởi:

  • 1 quả bưởi to tách lấy 200g cùi 

  • 100g muối

  • 100 bột năng

  • 100g bột sắn

4.2. Hướng dẫn cách nấu chè cốm bưởi

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Đầu tiên, bạn cần gọt lớp vỏ xanh bên ngoài bỏ phần xơ dính liền trong ruột đi, chọn phần cùi trắng xốp nhất và đem đi thái hạt lựu.  

  • Bắc nồi nước lên bếp, cho vào 100g muối hạt và đun đến khi sôi. Tiếp theo, cho cùi bưởi vào chần sơ từ 3 - 4 phút rồi vớt ra thau nước lạnh. Bỏ cùi bưởi vào túi vải mỏng, bóp thật chặt từ 5 - 7 lần để cùi bưởi hết đắng.

Mẹo để cùi bưởi không đắng:  (ngâm vào nước muối pha loãng hoặc phèn chua)

  • Không nên lấy phần cùi sát vỏ quá vì cùi sẽ bị đắng. Bạn chỉ nên lấy phần cùi đã được loại bỏ hết lớp vỏ xanh bên ngoài.

  • Cho cùi bưởi vào một thau nước muối loãng và ngâm bưởi trong khoảng 4-6 tiếng hoặc ngâm qua đêm. Trong lúc ngâm, bạn nên thường xuyên thay nước,  khoảng 2-3 lần là ổn. Cứ mỗi lần thay nước thì bạn hãy vắt khô nước để cùi bưởi sạch tinh dầu. 

Bước 2: Nấu cùi bưởi

  • Bắc lên bếp một nồi nước to, thêm 1 thìa cơm đường phèn, 1 thìa cơm bột năng, 1 thìa cà phê muối, khuấy tan hết rồi cho cùi bưởi vào.

  • Bật bếp, luộc cùi bưởi cho đến khi nước sôi lăn tăn thì tắt đi, vớt cùi bưởi ra rửa sạch, vắt kiệt nước và lặp lại 3 lần đến khi ráo hẳn nước.

  • Hoà 100g bột sắn với khoảng 200ml nước, cho cùi bưởi vào ngâm nước. Tiếp đó, trộn 100g bột năng vào bóp cho bột bọc đều cùi để không bị dính.

  • Đun một nồi nước sôi cho cùi bưởi vào luộc. Thấy cùi bưởi trong nổi lên thì vớt ra thả vào trong âu nước đá ngâm 5 phút để cùi bưởi trong và giòn. Cuối cùng trộn đều cùi bưởi với 40g đường là hết thúc

Bước 3: Nấu chè cốm

  • Bắc nồi lên bếp, cho vào 1,5 lít nước và bó lá dứa rồi nấu cho sôi. Khi nước sôi, bạn vớt lá dứa ra, cho vào 300g đường và rồi khuấy đều cho đường tan. 

  • Hoà tan bột năng và bột sắn trong một bát nước nhỏ. Cho từ từ phần hôn hợp nước này vào và khuấy đều nồi đến khi tạo được độ sánh mong muốn.

  • Đun ở lửa nhỏ 10-15’ thì cho tiếp 150g cốm xanh vào khuấy đều rồi tắt bếp. Khi nồi chè nguội bớt khoảng 50 - 60 độ C thì bạn cho phần cùi bưởi vào đảo đều nhẹ nhàng là hoàn thành.

Bước 4: Thành phẩm

Món chè cốm bưởi có mùi thơm nhẹ của cốm nin, vị ngọt thanh mát. Cùi bưởi trong và giòn giòn, sật sật ăn rất thích. Rưới thêm phần nước cốt dừa béo ngậy lên trên sẽ làm cho món chè cốm bưởi của bạn thêm phần hấp dẫn!

5. Cách nấu chè cốm hạt sen:

Hướng dẫn bạn cách nấu chè cốm hạt sen thanh mát, ngọt dịu, thanh mát cực hấp dẫn cho những ngày hè oi nóng

5.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 200g cốm tươi hoặc cốm khô

  • 300g hạt sen

  • 3 thìa bột sắn 

  • 250g đường trắng hoặc 300g đường phèn

5.2. Hướng dẫn cách nấu chè cốm hạt sen 

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Nếu bạn dùng hạt sen khô thì sau khi mua về bạn hãy đem rửa cho sạch rồi ngâm nước khoảng 30 phút. Còn nếu bạn dùng hạt sen tươi thì bạn chỉ cần loại bỏ tâm sen ra rồi mang đi rửa. 

  • Tiếp theo, bạn cần đãi sạch tạp chất rồi để cốm ngâm nước trong khoảng 10 phút rồi xả lại với nước lạnh sau đó để cho ráo.

  • Cho bột sắn vào bát con sau đó hoà loãng với một ít nước. Hoà kỹ để đảm bảo bột không bị vón cục bạn nhé!

Bước 2: Nấu hạt sen

  • Đầu tiên, thả hạt sen vào nồi nước, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ để ninh cho hạt sen nhừ. Khi hạt sen nở và bắt đầu mềm, bạn cho đường vào và khuấy tan. Đun liu riu thêm 5 phút nữa để hạt sen ngấm đường nhé.

  • Sau đó bạn đổ bát hỗn hợp bột sắn đã pha vào chè, vừa đổ vừa khuấy đều tay để nồi không bị khét. 

  • Tiếp tục đến khi sôi hoặc khi chè đã đặc sánh lại và có màu trong.

Bước 3: Nấu chè cốm

  • Khi nước chè đã trong và sánh lại  thì cho thêm cốm vào đảo đều và điều chỉnh lại độ ngọt nhạt của nồi chè cho hợp khẩu vị. Đun thêm 5 phút nữa thì tắt bếp.

  • Đợi chè nguội rồi múc ra bát và thưởng thức ngay thôi! Bạn có thể rưới thêm nước cốt dừa để chè có thêm vị béo ngậy hấp dẫn.

Bước 4: Thành phẩm

Chè cốm hạt sen rất dẻo, hương thơm của sen hoà quyện cùng hương thơm của cốm sẽ khiến bạn không cưỡng lại được sự hấp dẫn của nó. Đặc biệt, món chè này còn rất bổ dưỡng, giúp đẹp da, thanh nhiệt và tốt cho tiêu hoá. 

Bài viết trên đã hướng dẫn bạn cách nấu chè cốm đơn giản nhưng vẫn đảm bảo ngon chuẩn vị Hà Nội. Ngoài ra, Barona còn rất nhiều công thức nấu ăn hấp dẫn khác đang chờ bạn khám phá đó.  Hẹn gặp lại và chúc các bạn thành công !

1714 Lượt xem