Cách làm sữa chua uống thơm, béo và sánh mịn

Cách làm sữa chua uống thơm, béo và sánh mịn

23/05/2022

Cách làm sữa chua uống tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng nắm hết bí quyết sử dụng đúng tỷ lệ các nguyên liệu để sữa chua ngọt vừa phải, nên ủ sữa ở nhiệt độ nào để khi lên men cho chất sữa sánh mịn, không bị nổi váng quá nhiều… Vậy còn chần chờ gì nữa, cùng Barona vào bếp và thử ngay 3 công thức làm sữa chua uống truyền thống, sữa chua uống hoa quả và sữa chua nha đam ngay thôi nhé!

NỘI DUNG CHÍNH

Sữa chua uống truyền thống muốn cô, sánh và mịn quan trọng là sử dụng đúng tỷ lệ các thành phần và giữ nhiệt độ sữa ấm vừa phải để kích thích các vi khuẩn có lợi lên men phát triển.

Cách làm sữa chua uống truyền thống tương đối đơn giản chỉ gồm 2 công đoạn chính: pha hỗn hợp sữa và ủ sữa lên men. 

Ngoài việc chuẩn bị những nguyên liệu bên dưới, bạn cũng cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ cần thiết như một tô sành lớn, một nồi cơm điện/ thùng ủ sữa và khoảng 10 hũ nhỏ để bảo quản sữa chua.

1. Nguyên liệu

  • Sữa tươi có đường: 220ml

  • Sữa đặc: ½ lon (khoảng 190ml)

  • Nước đun sôi để nguội: 150ml

  • Sữa chua: 1 hộp

Với sữa chua hoa quả và nha đam, bạn lựa loại hoa quả theo ý thích và sử dụng lượng hoa quả, nha đam theo sở thích ăn nhiều hay ăn ít của mình.

2. Cách làm sữa chua uống tại nhà

2.1. Sữa chua uống truyền thống:

Bước 1: Làm hỗn hợp sữa

Hòa tan sữa đặc với nước đun sối để nguội.

Thêm sữa tươi vào bát sữa đặc đã hòa tan và khuấy đều.

Đổ hỗn hợp vào một nồi lớn và đem đun nóng trên nhiệt độ 70 - 80 ° C. Khi sữa ấm lên và bốc khói (chưa sôi) thì dừng lại, tắt bếp và để nguội khoảng 30 phút.

Lưu ý: Nếu bạn thích ăn ngọt hơn có thể thêm đường hoặc sữa đặc vào hỗn hợp khi đang đun.

Bước 2: Trộn sữa cái

Sau khoảng 30 phút, hỗn hợp sữa sẽ nguội dần đến chừng 40 - 45 °C thì bạn đổ một hộp sữa chua vào khuấy đều. 

Mẹo: Để sữa chua nhanh tan và không bị vón cục, bạn nên khuấy sữa theo một chiều và khuấy đều tay.

Bạn cũng có thể dùng rây lọc hỗn hợp sữa chua để loại bỏ phần sữa chưa tan để hỗn hợp dung dịch sữa mịn hơn.

Bước 3: Ủ sữa chua

Chia hỗn hợp sữa chua vào các lọ đựng, hoặc để cả trong một tô lớn và đem ủ ở nhiệt độ khoảng 40 °C trong nồi cơm điện hoặc thùng ủ sữa từ 7 - 8 tiếng (từ khoảng 10 tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau).

Như vậy, coi như đã hoàn tất công đoạn ủ sữa chua. Việc của bạn là đợi cho các vi khuẩn có lợi lên men và làm đông sữa chua nữa là hoàn thành.

Khi sữa chua đã đông, bạn múc sữa ra từng hũ nhỏ, bảo quản trong tủ mát để ăn dần.

Bước 4: Thành phẩm

Sữa chua thơm, sánh mịn. Khi nếm sữa mới ra lò sẽ cảm nhận hơi ấm, sữa dẻo và béo.

2.2. Sữa chua uống trái cây:

Với sữa chua uống trái cây, bạn tiến hành làm sữa chua truyền thống như thường. Khi sữa ủ xong, cô và sánh lại, trước khi cho vào hũ, bạn mới cho phần trái cây được chuẩn bị riêng vào. Trái cây bạn lựa theo sở thích, xắt thành từng khúc vuông nhỏ, sau đó trộn đều với sữa chua. Dùng muôi múc hỗn hợp sữa và trái cây đổ vào từng hộp nhỏ, đem bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần.

2.3. Sữa chua uống nha đam:

Khác với sữa chua uống trái cây, sau khi ủ sữa, ta mới cho trái cây vào, thì với sữa chua uống nha đam, ta sẽ trộn nha đam cùng hỗn hợp dung dịch sữa và đem đi ủ. Nha đam xắt thành nhiều khúc vuông nhỏ, đem đi sơ chế để loại bỏ nhớt và vị đắng sẽ cho vào khuấy đều cùng hỗn hợp sữa. Cuối cùng, đem đi ủ bằng nồi cơm điện hoặc thùng ủ sữa để lên men sữa chua nữa là hoàn thành.

3. Lợi ích từ việc uống sữa chua

Trong sữa chua có các vi khuẩn lên men như Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus rất có lợi cho đường ruột. Việc ăn sữa chua mỗi ngày không chỉ giúp tiêu cơm, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn có công dụng làm đẹp da:

  • Sữa chua giúp bổ sung lợi khuẩn và chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.

  • Các chủng Probiotic Lactobacillus Acidophilus có trong sữa chua giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thế

  • Ngoài ra, việc sử dụng sữa chua thường xuyên còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương khớp, có lợi cho tim mạch, ngăn ngừa nấm men ở âm đạo và có tác dụng làm sáng, mướt da.

4. Nên uống sữa chua khi nào?

Sữa chua không nên dùng khi đói. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm vàng để ăn sữa chua là khoảng 1 - 2 tiếng sau khi ăn các bữa chính trong ngày. Khi đó, lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ dễ dàng vượt qua môi trường axit khắc nghiệt trong dạ dày, gia tăng hiệu quả hỗ trợ đường ruột của sữa.

5. Làm sao để uống sữa chua đúng cách?

Đối với trẻ nhỏ 1 ly sữa chua nhỏ 1 ngày là đủ. Với người lớn, có thể sử dụng liều lượng nhiều hơn, từ 1 - 2 ly sữa chua uống mỗi ngày.

6. Nên kết hợp sữa chua uống với loại thực phẩm nào?

Ngoài cách thưởng thức sữa chua làm thức tráng miệng sau bữa chính giúp tiêu cơm, bạn có thể và nên sử dụng sữa chua sau khi ăn một số loại thực phẩm giàu tinh bột để phát huy tác dụng của sữa chua tốt hơn, như cơm, bánh mì, bánh bao hay ngũ cốc….

Trên đây là hướng dẫn chi tiết 3 cách làm sữa chua uống: sữa chua uống truyền thống, sữa chua uống hoa quả và sữa chua uống nha đam. Trong sữa chua có rất nhiều lợi khuẩn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa và có tác dụng làm đẹp da. Tuy nhiên, ăn sữa chua cũng cần đảm bảo liều lượng và ăn đúng cách để đảm bảo phát huy tác dụng của sữa chua tốt nhất. Chúc bạn thành công và ăn ngon miệng.

Bạn có thể xem thêm nhiều món ngon khác tại: Góc chia sẻ món ngon của Barona

626 Lượt xem

GIA VỊ YÊU THÍCH