Tổng hợp 6 cách nấu cháo cua đồng thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng và dễ làm nhất

Tổng hợp 6 cách nấu cháo cua đồng thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng và dễ làm nhất

07/03/2022

Cháo cua đồng không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao rất tốt cho sức khỏe của cả người lớn và trẻ nhỏ. Hãy cùng Barona vào bếp để khám phá ngay 6 cách nấu cháo cua đồng thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng và dễ làm nhất trong bài viết dưới đây.

NỘI DUNG CHÍNH

1. Cháo cua đồng truyền thống

Cháo cua đồng truyền thống hấp dẫn bởi vị béo ngậy, vị ngọt tự nhiên của cua đồng và hạt cháo mềm nở cùng gia vị nêm nếm vừa miệng mang đến cảm xúc thật khó tả. Món ăn này rất phù hợp vào những ngày nóng oi ả, ăn cháo cua đồng để giải nhiệt, rất tốt cho hệ xương và dễ ăn.

1.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng

  • Cua đồng: 500 gr

  • Gạo tẻ: 200 gr

  • Hành tím: 2 củ

  • Hành lá: 30 gr

  • Dầu ăn: 2 thìa canh

  • Gia vị thông dụng: hạt nêm/ muối/ bột ngọt/ tiêu xay.

1.2. Cách nấu cháo cua đồng truyền thống

Cách nấu cháo cua đồng theo kiểu truyền thống là dễ thực hiện nhất và giữ được nguyên bản của món cháo đặc biệt này. Tuy nhiên, bạn cần chú ý lựa chọn loại cua ngon và gia vị đầy đủ. Để nấu cháo cua đồng thì bạn hãy thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Sơ chế cua đồng

Cua đồng sau khi mua về thì bạn hãy ngâm trong nước khoảng 10 phút, vặt càng rồi lấy búi đánh nồi đánh thật sạch hết bùn đất bám trên thân cua, rửa sạch lại với nước.

Tiếp theo, bạn bóc phần mang cua, bỏ yếm cua, lấy hết phần gạch cua trên mai cua cho ra bát nhỏ.

Sau đó, bạn cho cua và càng cua vào cối giã cho nhuyễn, chú ý bạn có thể dùng máy xay để cua nhỏ và đỡ mất công giã hơn. Bạn chó thêm 1 chút muối để khi nấu thì gạch cua sẽ dễ đông lại, nhìn ngon mà còn hạn chế được việc gạch cua bắn tung tóe khi nước sôi.

Tiếp theo bạn có thể dùng khăn xô hoặc rây lọc để lọc lấy phần xác cua, chú ý lọc 3-4 lần để lọc hết được thịt cua và loại bỏ phần xác cua còn xót lại.

Bước 2: Vo gạo và sơ chế các nguyên liệu khác

Gạo tẻ bạn hãy ngâm khoảng 30 phút cho gạo mềm ra, tiếp theo vo gạo 2 lần với nước sạch và để ráo.

Hành tím bóc vỏ và thái mỏng.

Hành lá rửa sạch và thái nhỏ.

Mẹo nhỏ: Để cháo thơm và dẻo hơn thì bạn có thể cho thêm 1 nắm vào nếp vào nấu cùng. Ngoài ra, máy xay khi xay cua xong sẽ có mùi tanh nên bạn cần phải rửa thật kỹ với nước rửa chuyên dụng hoặc trần qua với nước sôi để khử mùi.

Bước 3: Làm riêu cua

Bạn hãy cho nước cua lọc vừa sơ chế được vào nồi bắc lên bếp và để lửa vừa, khuấy đều cho tới khi thấy thịt cua bắt đầu xuất hiện kết tủa thì có thể ngừng khuấy và chờ cho nồi nước sôi bùng, thịt cua đã đóng thành váng thì hạ lửa nhỏ và mùng thìa to vớt ra bát tô lớn.

Tiếp theo bạn hãy bắc lên bếp 1 chiếc chảo, vặn lửa đun cho nóng chảo thì cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, đun cho sôi dầu ăn thì cho vào 1 thìa hành tím phi thơm.

Bạn phi hành đến khi hành đã chín vàng cho gạch cua vào, dùng đũa đảo thật đều tay đến khi dậy mùi thơm cho tiếp thịt cua đã vớt ra vào và vặn lửa nhỏ xuống, nêm nếm đầy đủ các gia vị cho vừa miệng, để trên bếp khoảng 10 phút thì cho thịt và gạch cua đã ngấm đều và đậm vị thì tắt lửa.

Mẹo nhỏ: Khi phi hành bạn không nên để lửa quá to vì như vậy sẽ rất dễ hành nhanh bị cháy đen, không được thơm và khi hành bị đen sẽ rất mất tính thẩm mỹ, vì vậy khi phi hành bạn nên để lửa nhỏ liu riu và phải chú ý đảo thật đều.

Bước 4: Nấu cháo cua đồng

Bạn vặn lửa to cho nồi nước cua đồng sôi lên, cho hết phần gạo đã vo sạch vào khuấy cho đều tay tránh để cháo bị vón cục hoặc bị dính xuống đáy nồi gây nên tình trạng cháo bị khê.

Đun cháo với lửa vừa và khuấy đều cho đến khi cháo chín, các hạt gạo nở đều, nhừ thì điều chỉnh lượng nước xem đã đủ chưa, nếu thấy cháo đặc thì bạn cho thêm nước và đun sôi. Bạn thực hiện nêm nếm lại gia vị sao cho vừa miệng. Cho hành lá và tắp bếp.

Mẹo nhỏ: Để cháo nhanh nhừ hơn thì bạn có thể đã gạo cho vỡ trước khi nấu cháo. Không nên nêm quá mặn vì khi ăn sẽ cho cua và gạch chung vào cháo luôn. Bạn hãy cứ thế đun thêm 20 - 30 phút cho thịt cua và gạch cua đã chưng thật chín để nồi cháo cua đồng thêm thơm ngon và đậm vị nhất.

Thành phẩm

Bạn cho cháo ra bát, múc lên trên gạch cua đã được xào trước đó, rắc thêm ít hạt tiêu xay cho món ăn dậy mùi và thưởng thức. Cháo cua đồng có thể ăn kèm với rau thơm và bánh quẩy, tùy thuộc vào sở thích và khẩu vị của từng người.

Bạn nên chú ý tuyệt đối không nên ăn cháo cua đồng cùng lức khi uống trà, ăn hồng vì việc này làm cho cơ thể bạn bị chứng đầy bụng, khó tiêu. Một số chất trong thành phần của nước trà và quả hồng sẽ làm cho thức ăn trong cơ thể bạn khó có thể phân hủy khi ăn cua, nặng nhất có thể gây nên bệnh sỏi thận.

2. Cháo cua đồng rau dền

Món cháo cua đồng rau dền là món khoái khẩu của rất nhiều người. Món cháo này có vị ngon ngọt thanh từ cua đồng và rau dền rất phù hợp để ăn trong mùa hè nắng nóng. Hơn nữa cháo cua đồng rau dền có nhiều canxi rất tốt cho người già và giúp cho các bé không bị còi xương.

2.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng rau dền

  • Cua đồng: 50 gr

  • Rau dền: 30 gr

  • Gạo: 30 gr

  • Dầu ăn: 3 ml

  • Muối: 1 ít

Mẹo chọn rau dền nấu cháo ngon: Hiện nay trên thị trường có 2 loại rau dền chính là rau dền trắng và rau dền đỏ. Mỗi loại rau này đều có những giá trị dinh dưỡng rất phong phú, tuy nhiên để nấu cháo có màu đẹp nhất thì bạn nên chọn rau dền đỏ còn tươi, không bị bị dập nát hoặc bị héo.

2.2. Cách nấu cháo cua đồng rau dền

Cháo cua đồng rau dền thơm ngon, có màu đỏ đặc trưng của rau dền khiến bất kỳ ai từng ăn đều nhớ mãi không quên. Cách thực hiện món cháo này cũng rất đơn giản, thông qua các bước như sau:

Bước 1: Lọc thịt cua đồng

Cua ngâm trong nước khoảng 1 tiếng để loại bỏ hết tất cả đất cát và xả lại nước sạch. Nếu cẩn thận thì bạn nên vặt càng cua rồi lấy búi đánh nồi hoặc bàn chải cọ thật kỹ lên thân cua để làm sạch các cặn bẩn bên trong các kẽ cua và rửa sạch.

Lột hết yếm cua, mai cua và để riêng, dùng thìa nhỏ nạo lấy hết phần gạch cua cho vào chén nhỏ để riêng.

Sau đó, bạn cho toàn bộ cua vào máy xay nhuyễn cùng với 100ml nước rồi cho qua rây lọc, lọc nước cua từ 2 – 3 lần để đảm bảo không còn phần xác cua nữa. Nếu không có máy xay thì bạn cho cua vào cối và giã cho thật nhỏ và lọc qua rây.

Bước 2: Sơ chế rau dền

Bạn nhặt bỏ gốc và những lá hư của rau dền, sau đó ngâm rau trong nước muối loãng từ 5 – 10 phút rồi rửa thật sạch lại với nước sạch.

Rửa sạch rau dền thêm lần nữa rồi băm nhuyễn rau dền hoặc cho rau vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn.

Bước 3: Nấu cháo cua đồng với rau dền

Bạn cho 30gr gạo vào nồi cùng với 500ml nước rồi bắc lên bếp, vặn lửa to nấu cho sôi. Khi cháo sôi thì vặn lửa nhỏ ninh cháo từ 15 – 20 phút để cháo chín mềm. Khi cháo đã mềm thì bạn cho cua đã lọc vào nấu thêm 5 - 7 phút.

Cuối cùng, bạn cho rau dền đã xay nhuyễn vào nồi cháo vào và đun đến khi sôi bùng rồi tắt bếp.

Cho cháo ra bát, thêm dầu ăn lên trên và khuấy đều lên, thưởng thức cháo ngay khi còn nóng. Bạn có thể cho thêm hành lá để cháo thơm hơn.

Thành phẩm

Cháo cua đồng rau dền của màu đẹp mắt đặc trưng của rau dền, vị cua ngọt thanh béo ngậy kết hợp cùng cháo mềm dẻo, gia vị nêm nếm vừa miệng khiến ai thưởng thức cũng đều tấm tắc khen ngon. Bạn có thể thưởng thức món cháo này cùng với quẩy, rau thơm hay giá sống đều rất hấp dẫn.

3. Cháo cua đồng hột vịt lộn

Cháo cua đồng hột vịt lộn nghe thì có vẻ lạ nhưng lại vị ngon lại khó cưỡng bởi phần cua ngọt thanh, hột vịt lộn béo ăn cùng với rau đắng và nước mắm ớt thì sẽ mang đến cho cả nhà món cháo thơm ngon, bổ dưỡng tuyệt vời.

3.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng hột vịt lộn

  • Cua đồng: 500 gr

  • Gạo rang: 1 chén

  • Trứng vịt lộn: 7 quả

  • Rau đắng: 200 gr

  • Hành tím: 5 gr

  • Hành lá: 5 gr

  • Gia vị thông dụng: đường/muối/tiêu xay/hạt nêm

  • Nước mắm: 2 thìa canh

  • Dầu ăn: 1 thìa canh

Mẹo chọn hột vịt lộn ngon: Bạn nên chọn những hột vịt lộn nặng tay vì đó có thể là hột vịt lộn còn non ăn sẽ ngon ngọt hơn hột vịt lộn già. Ngoài ra, bạn có thể soi trứng ở nơi có ánh sáng nếu là trứng tươi ngon thì khoảng trống ở trên đầu sẽ nhỏ, trong suốt và không có xuất hiện chấm đen.

3.2. Cách nấu cháo dinh dưỡng cua đồng hột vịt lộn

Cua đồng có rất nhiều chất dinh dưỡng và được coi là loại thực phẩm sạch rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy mà món ăn từ cua đồng đang được rất nhiều người ưa chuộng và có nhiều cách chế biến khác nhau mang đến nhiều hương vị đặc biệt. Và nếu như bạn đã chán với lẩu riêu cua hay món canh riêu cua đồng truyền thống thì hãy thử nấu cháo cua đồng hột vịt lộn theo các bước như sau:

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Cua đồng mua về ngâm với nước trong vòng 10-20 phút và rửa sạch, tách mai và bỏ đi phần yếm cua, phần gạch thì cho vào chén nhỏ để riêng. Tiếp theo, bạn cho cua vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay để xay cua với 1 ít nước. Lọc lại qua rây lọc hoặc khăn xô cho thật sạch, chỉ giữ lại phần nước và loại bỏ hết phần xác cua.

Hột vịt lộn rửa sạch với nước, dùng khăn hoặc bàn chải làm sạch bụi bẩn bên ngoài.

Hành lá bạn hãy dùng dao cắt gốc rồi rửa sạch và thái nhỏ. Hành tím bóc vỏ và băm nhuyễn. Rau đắng nhặt gốc, ngâm với nước muối loãng từ 10 - 15 phút cho sạch hết tất cả cặn bẩn, sau đó rửa lại 2 - 3 lần nước sạch rồi để ráo.

Bước 2: Xào riêu cua

Bạn hãy lấy một chiếc nồi lớn, cho nước cua vào và đun sôi, chú ý đảo cho thật đều tay để không làm cua dính dưới đáy nồi và nêm vào với 1 ít muối. Khi cua nổi lên mặt nước thì bạn vớt cua ra để ráo và giữ lại lại phần nước luộc cua.

Tiếp theo, bạn hãy cho 1 ít dầu ăn lên chảo, khi dầu nóng thì bạn cho hành tím băm vào phi thơm. Khi hành vàng, bạn cho gạch cua vào xào trước rồi cho tiếp phần cua đã luộc vào nồi và nêm nếm với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê muối trong 2 - 3 phút với lửa vừa.

Bước 3: Luộc trứng hột vịt lộn

Bạn đem hột vịt lộn vừa rửa sạch đi luộc với lượng nước ngập trứng trong khoảng 5 - 10 phút cho hột vịt chín sơ. Sau đó, vớt ra bát chờ hột vịt nguội thì lột vỏ rồi bỏ vào một tô riêng.

Mẹo nhỏ: Nếu như bạn không muốn hột vịt bị vỡ khi luộc thì hãy cho thêm vào 1 chút muối hạt và không nên luộc hột vịt với quá nhiều nước hay lửa quá to. Ngoài ra thì bạn có thể mua hột vịt lộn luộc sẵn bên ngoài hàng để tiết kiệm thời gian mà không lo luộc trứng bị vỡ.

Bước 3: Nấu cháo

Bạn cho vào nồi 1 chút gạo rang và nước cua rồi nấu trên lửa lớn đến khi cháo chín mềm, trong quá trình nấu thì bạn phải xuyên khuấy đều để cháo không bị bám cháy khét dưới đáy nồi.

Khi cháo mềm, bạn hãy cho cua vào rồi nêm nếm với 2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường rồi khuấy đều để cho gia vị thấm đều hết vào nguyên liệu.

Cháo đã chín vừa ăn, bạn cho hột vịt lộn đã được luộc sơ vào và nấu thêm 5 phút nữa để cho hột vịt được được chín hoàn toàn. Bạn múc cháo ra tô, rắc thêm hành lá và tiêu xay lên trên là đã có thể thưởng thức.

Thành phẩm cháo cua đồng nấu hột vịt lộn

Cháo cua đồng hột vịt lộn có vị ngậy ngọt thanh của cua, vịt ngọt thịt của hột vịt cùng hương thơm của hành lá, cháo mềm thơm mang lại món ăn thật hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng. Với trẻ nhỏ thì bạn có thể không cho hành lá hoặc tiêu xay.

4. Cháo cua đồng mồng tơi

Vào những ngày hè oi ả nóng bức thì còn gì tuyệt vời hơn được ăn bát cháo cua đồng mồng tơi tự làm tại nhà vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa ngon ngọt, thanh mát lại rất đảm bảo dinh dưỡng. Hơn nữa, rau mồng tơi còn cung cấp nhiều vitamin và chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là giúp giảm tình trạng táo bón rất hiệu quả.

4.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng mồng tơi

  • Mồng tơi: 20g

  • Cua đồng: 500 gr

  • Gạo tẻ: 50gr

  • Hành tím: 5 gr

  • Hành lá: 5 gr

  • Gia vị thông dụng: đường/muối/tiêu xay/hạt nêm

  • Nước mắm: 2 thìa canh

  • Dầu ăn: 1 thìa canh

4.2. Cách nấu cháo cua đồng mồng tơi

Hiện nay vấn đề rau sạch đang là quan tâm của toàn cộng đồng, rau mồng tơi có thể bị phun nhiều thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Vì vậy, bạn chỉ nên mua rau mồng tơi tại các cơ sở rau sạch uy tín, tại các siêu thị, rau của người quen hoặc tốt nhất là tự trồng rau tại nhà. Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu làm món cháo cua đồng mồng tơi thì bạn hãy đi vào chế biến theo từng bước như sau:

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu 

Cua đồng mua về rửa sạch, tách mai và bỏ đi phần yếm cua, phần gạch thì cho vào chén nhỏ để riêng. Tiếp theo, bạn cho cua vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay để xay cua với 1 ít nước. Lọc lại qua rây lọc hoặc khăn xô cho thật sạch, chỉ giữ lại phần nước và loại bỏ hết phần xác cua. 

Rau mồng tơi ngâm với nước muối loãng tầm 15-20 phút, sau đó rửa sạch, thái nhỏ, để ráo nước. Bạn cho rau mồng tơi vào máy xay và xay nhuyễn.

Hành tím bóc vỏ và thái lát mỏng. Hành lá bỏ gốc, rửa sạch và băm nhỏ.

Gạo tẻ vo sạch với nước, ngâm trong nước trong khoảng 45 – 60 phút rồi để ráo.

Bước 2: Làm riêu cua

Sau khi bạn đã lấy được phần nước cốt cua thì bạn hãy bắc lên bếp một chảo dầu nóng, phi thơm hành tím, cho thêm nước cua vào nấu với lửa vừa, khuấy nhẹ nhàng thật đều tay cho đến khi thấy phần thịt cua kết tủa.

Khi nước sôi thì thịt cua đã đóng thành tảng, có được mũi thơm đặc trưng thì hạ nhỏ lửa, vớt hết phần thịt cua ra một chén nhỏ.

Bước 3: Nấu cháo cua đồng mồng tơi

Cho gạo vào nồi ninh cho gạo chín mềm nở ra thì cho thịt cua và rau mồng tơi đã xay vào nấu thêm 15-20 phút nữa cho cháo chín hoàn toàn, cho thêm 1 thìa dầu ăn, nêm nếm các gia vị cho vừa miệng, thêm hành lá và tắt bếp.

Thành phẩm

Cháo cua đồng rau mồng tơi ngon nhất khi ăn nóng, bạn không nên ăn nguội vì sẽ bị dậy mùi tanh của cua. Cháo mềm dẻo hòa cùng vị ngọt thanh của cua vị thơm của hành tím, vị tươi mát của rau mồng tơi vô cùng hấp dẫn. Hơn nữa, rau mồng tơi trơn miệng nên rất phù hợp cho các bé ăn dặm.

5. Cháo cua đồng bí đỏ

Bí đỏ có rất nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Trong cua thì có nhiều canxi tốt cho hệ xương nên khi kết hợp với bí đỏ sẽ tạo ra nguồn dinh dưỡng vô cùng lớn. Đó cũng là lý do vì sao mà cháo cua đồng bí đỏ luôn được các mẹ lựa chọn hàng đầu thêm vào thực đơn của bé.

5.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng bí đỏ

  • Gạo tẻ: 50 gr

  • Cua đồng: 500gr

  • Bí đỏ: 100 gr

  • Hành tím: 1 củ

  • Dầu ăn: 2 thìa canh

  • Hạt nêm: 1/2 thìa cà phê

Mẹo chọn bí đỏ ngon: Bí đỏ tươi ngon thường có màu vỏ nâu sấm, sần sùi và không có các vết thâm đen hay đốm đen li ti lạ thường trên bề mặt. Ngoài ra, bạn nên mua những quả bí cầm nặng tay, cứng cáp, không bị nhăn nheo ở vỏ hay bị nhũn. Tuyệt đối không mua bí đã bị chảy nhớ vì đó là bí đã bị hỏng, rỗng ruột, không ăn được.

5.2. Cách nấu cháo cua đồng bí đỏ

Cách nấu cháo cua đồng với bí đỏ cũng rất đơn giản, bạn hãy thực hiện theo quy trình nấu cháo đúng chuẩn cho bé như sau:

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Cua đồng mua về rửa sạch, tách mai và bỏ đi phần yếm cua, phần gạch thì cho vào chén nhỏ để riêng. Tiếp theo, bạn cho cua vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay để xay cua với 1 ít nước. Lọc lại qua rây lọc hoặc khăn xô cho thật sạch, chỉ giữ lại phần nước và loại bỏ hết phần xác cua. 

Với bí đỏ sau khi mua về thì bạn hãy gọt vỏ và loại bỏ hạt. Tiếp theo bạn đem rửa sạch, để ráo rồi cắt bí thành các khối nhỏ. Còn củ hành tím thì bạn chỉ cần lột vỏ, cắt thành các lát mỏng.

Gạo ngâm khoảng 20-30 phút cho hạt gạo mềm và nở ra, vo lại với nước 2 lần rồi để ráo.

Bước 2: Nghiền bí đỏ

Sơ chế bí đỏ xong, bạn bắc nồi lên bếp cùng với 100ml nước và 100gr bí đỏ đã cắt vào, rồi luộc bí với lửa lớn khoảng 10 - 13 phút, đến khi bí đỏ đã chín mềm thì bạn tắt bếp, vớt bí đỏ ra một chén nhỏ.

Khi bí đỏ nguội, bạn hãy dùng nĩa để tiến hành nghiền nhuyễn bí đỏ ra hoặc bạn có thể dùng máy xay để xay nhỏ bí đỏ ra cho thật nhuyễn và nhanh.

Bước 3: Làm riêu cua

Sau khi bạn đã lấy được phần nước cốt cua thì bạn hãy bắc lên bếp một chảo dầu nóng, phi thơm hành tím, cho thêm nước cua vào nấu với lửa vừa, khuấy nhẹ nhàng thật đều tay cho đến khi thấy phần thịt cua kết tủa. Khi nước sôi thì thịt cua đã đóng thành tảng, có được mũi thơm đặc trưng thì hạ nhỏ lửa, vớt hết phần thịt cua ra một chén nhỏ.

Tiếp theo, bạn hãy cho 1 ít dầu ăn lên chảo, khi dầu nóng thì cho hành tím đã thái lát mỏng vào phi thơm. Khi hành đã đổi sang màu vàng, cho gạch cua vào xào trước, sau đó cho bạn tiếp phần cua đã luộc vào và nêm nếm với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê muối xào thêm 2 - 3 phút trên lửa vừa.

Bước 4: Nấu cháo cua đồng

Gạo tẻ đã vo sạch thì đem đi ninh với nồi áp suất với lửa nhỏ cho đến khi hạt gạo nở chín mềm và nhuyễn.

Sau đó, bạn cho phần gạch và nước cua đã được đun sôi vào nấu với cháo. Đun sôi và cho bí đỏ đã nghiền vào, đảo đều và nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Cháo sôi thì bạn hãy tắt bếp, để nguội, múc ra chén cho bé và cả nhà thưởng thức khi còn ấm.

Chú ý, trẻ em dưới 3 tuổi bạn không nên dùng gia vị. Ngoài cháo cua đồng bí đỏ thì bạn cũng có thể thay bí đỏ bằng cà rốt hoặc kết hợp cả cà rốt và bí đỏ để nấu cháo cua đồng cho bé đều được.

Thành phẩm

Cháo cua đồng bí đỏ thơm ngon, hoàn toàn không bị tanh mà có vị ngọt đặc trưng của cua, của bí đỏ không chỉ có tác dụng giải ngán cho cả nhà mà còn là nguồn dinh dưỡng vô cùng lớn cho trẻ phát triển toàn diện. Ngoài ra, bạn có thể ăn cháo cua đồng với quẩy hay rau sống đều rất hấp dẫn.

6. Cháo cua đồng khoai mỡ

Món cháo cua đồng khoai mỡ có thể dùng trong bữa chính, vì có đầy đủ các nhóm thực phẩm với thành phần dinh dưỡng dồi dào đã được tính toán cân đối. Khoai mỡ làn nguồn thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan với tác dụng chính là điều hòa tiêu hóa và cân đối hệ vi sinh trong đường ruột. Cua không chỉ có nhiều canxi mà còn có rất nhiều protein lành mạnh giúp bé phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ.

 6.1. Nguyên liệu nấu cháo cua đồng khoai mỡ  

  • Thịt cua đồng: 30g

  • Gạo tẻ: 30g

  • Thịt heo nac: 10g

  • Khoai mỡ: 100g

  • Hành, ngò gai, gia vị

6.2. Cách nấu cháo cua đồng khoai mỡ  

Cháo cua đồng khoai mỡ thơm ngon lạ miệng cho bé là món cháo rất giàu dưỡng chất và có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe của cả mẹ và bé. Sự kết hợp giữa 2 loại nguyên liệu tự nhiên là cua đồng và khoai mỡ có tác dụng tối ưu trong việc giúp bé nhuận tràng, phát triển chiều cao mà nguyên liệu rất dễ kiếm cùng cách nấu cũng khá đơn giản. 

Bước 1: Sơ chế khoai mỡ

Khoai mỡ cạo vỏ thật kỹ, rửa sạch với nước. Tiếp theo ngâm khoai mỡ với nước muối khoảng 30-40 phút cho hết phần nhớt, rửa sạch khoai và ngâm tiếp khoai với nước muối khoảng 15-20 phút nữa rồi rửa sạch. Việc ngâm khoai với nước muối là để cho hết phần nhựa gây ngứa của khoai mỡ.

Tiếp theo, bạn hấp khoai chín rồi dùng thìa để nghiền nhuyễn hoặc dùng máy xay để xay khoai mỡ cho thật nhuyễn rồi cho ra một chén nhỏ.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Thịt nạc heo rửa sạch, xay thật nhuyễn.

Hành và ngò gai nhặt gốc, rửa sạch và băm nhỏ.

Gạo vo sạch, ngâm với nước khoảng 30-60 phút cho hạt gạo mềm nở ra thì vo lại và để ráo.

Bước 3: Xào thịt cua đồng

Bạn nấu nước cua với lửa vừa, khuấy nhẹ nhàng thật đều tay cho đến khi thấy phần thịt cua kết tủa. Khi nước sôi thì thịt cua đã đóng thành tảng, có được mũi thơm đặc trưng thì hạ nhỏ lửa, vớt hết phần thịt cua ra một chén nhỏ.

Tiếp theo, bạn hãy cho 1 ít dầu ăn lên chảo, khi dầu nóng thì cho hành tím đã thái lát mỏng vào phi thơm. Khi hành đã đổi sang màu vàng, cho gạch cua vào xào trước, sau đó cho bạn tiếp phần cua đã luộc vào và nêm nếm với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê muối xào thêm 2 - 3 phút trên lửa vừa.

Bước 4: Nấu cháo cua đồng khoai mỡ

Cho gạo và nước vào nồi ninh cho chín nhừ thì cho thịt cua đồng vừa xào, thịt xay, khoai mỡ nghiền vào khuấy đều đun thêm 30 phút cho cháo chín thì cho dầu ăn, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, thêm hành lá và ngò gai vào khuấy đều và tắt bếp.

Thành phẩm

Cháo cua đồng khoai mỡ có vị ngọt thịt tự nhiên, vị ngọt thanh của cua, vị béo ngậy bùi bùi của khoai mỡ, hương thơm hấp dẫn của hành lá và ngò gai, hạt cháo nở mềm khiến ai từng thưởng thức cũng đều nhớ mãi. Bạn nên dùng khi cháo còn nóng thì sẽ không bị tanh và đảm bảo dinh dưỡng nhất.

Cách chọn ra những con cua đồng khỏe, tươi

Để chọn ra những con cua đồng khỏe, tươi, béo ngon thì bạn cần phải dựa vào những tiêu chí như sau:

  • Bạn nên chọn những con cua còn sống, có đủ chân và càng, mai cua có màu sáng, bóng. Không nên chọn những con cua gầy có màu đen xì vì những con cua đó có ít gạch nên sẽ không được ngon.

  • Khi bạn lật ngửa con cua nếu ấn vào phần yếm cua không bị nhũn thì có nghĩa là con cua đó chắc thịt, còn nếu bị nhũn thì con cua đó ốp, ít thị, ăn hay bị khai không ngon.

  • Bạn nên chọn những con cua cái vì sẽ béo nhiều thịt và nhiều gạch hơn. Cách nhận biết cua cái là dựa vào phần yếm của cua. Nếu yếm nhỏ thì đó là cua đực và yếm to thì là cua cái.

  • Không nên lựa chọn loại cua đồng mắt đỏ, phần bụng dưới của cua có lông hay phần đầu lưng có chấm sao vì loại cua này ăn rất khai.

  • Thời điểm lý tưởng nhất để mua cua đồng là vào đầu tháng hoặc cuối tháng. Vì thời điểm giữa tháng là thời điểm cua lột vỏ nên sẽ cứng, ít thịt và gầy.

Một số điều mẹ cần lưu ý khi cho bé ăn cua đồng

Để đảm bảo vấn đề về sức khỏe khi ăn cua đồng thì bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Tuyệt đối không nên ăn cua chết, cua đã chuyển sang màu đen có mùi lạ vì khi cua chết thì sẽ sinh ra rất nhiều chất độc và vi khuẩn gây hại cho cơ thể.

  • Không nên đun đi đun lại cua nhiều lần, dùng bao nhiêu thì hãy chế biến bấy nhiêu cua vì nếu để lâu thì cua sẽ bị mất chất dinh dưỡng và còn có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài.

  • Khi sơ chế cua thì cần phải bỏ đi phần dạ dày của cua để tráng ăn phải vi khuẩn sống kí sinh trên đó.

  • Không nên ăn cua sống vì có nhiều vi khuẩn có thể gây tử vong, các bệnh về đường ruột.

  • Không nên ăn các món ăn từ cua cùng lúc khi uống trà hoặc ăn hồng vì có thể khiến người ăn bị đầu bụng, khó tiêu, thậm chí là bệnh sỏi thận.

  • Những người không nên ăn cua đồng là những người vừa ốm dậy, những người bị bệnh tim mạch, người bị dị ứng với cua, người bị tiêu chảy.

Cháo cua đồng là món ăn dinh dưỡng vô cùng thơm ngon, vì vậy bạn hãy thêm món cháo này vào thực đơn gia đình để mâm cơm thêm phần phong phú và đa dạng. Ngoài ra, nếu như bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về chủ đề nấu ăn cần được Barona giải đáp thì hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé.

2233 Lượt xem