Cách làm bò nhúng giấm chuẩn vị ngon khó cưỡng

Cách làm bò nhúng giấm chuẩn vị ngon khó cưỡng

15/01/2022

Nếu bạn đang tìm kiếm một món ăn đảm bảo 3 tiêu chí: thơm ngon - bổ dưỡng - dễ thực hiện thì thử ngay cách làm bò nhúng giấm trong bài viết này nhé!

NỘI DUNG CHÍNH

Trời trở lạnh rồi, còn gì tuyệt vời hơn cảm giác cùng gia đình quây quần quanh nồi bò nhúng giấm nóng hổi, thơm lừng nhỉ? Cách làm bò nhúng giấm đơn giản dưới đây sẽ giúp cả nhà giải ngán vô cùng hiệu quả đấy. Bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt tay vào bếp trổ tài cùng Barona luôn nhé!

1. Cách làm bò nhúng giấm

Để làm bò nhúng giấm, phần quan trọng đầu tiên bạn cần chú ý đó là mua nguyên liệu. Nguyên liệu cần sử dụng cho món ăn phải đầy đủ và đúng định lượng theo đúng công thức dưới đây:

Nguyên liệu làm bò nhúng giấm

Nguyên liệu làm bò nhúng giấm
Nguyên liệu làm bò nhúng giấm

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Thịt thăn bò: 2kg

  • Dừa xiêm: 1 trái

  • Thơm (dứa): ½ trái

  • Dưa leo: 2 trái

  • Chuối chát xanh: 3 trái

  • Khế xanh: 3 trái

  • Hành tây: 1 củ

  • Sả: 2 cây

  • Hành tím: 2 củ

  • Tỏi khô: 2 củ

  • Ớt chín: 2 trái

  • Bún tươi: 1 kg

  • Bánh tráng cuốn: 2 xấp

  • Gia vị: mắm nêm, giấm, đường, muối, dầu ăn,...

  • Rau ăn kèm: húng quế, xà lách, húng lủi, kinh giới, tía tô,...

Thực hiện làm bò nhúng giấm

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Hành tây bóc vỏ, rửa sạch và cắt múi cau. Tỏi và hành tím bóc vỏ, đập dập và băm nhuyễn. Ớt rửa sạch, bỏ hạt và cuống, cắt lát mỏng. Sả bóc bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái mỏng.

Thơm gọt vỏ, rửa sạch, để ráo rồi chia làm 2 phần, 1 phần đem băm nhuyễn, 1 phần cắt thành lát mỏng.

Rửa các loại rau ăn kèm
Rửa các loại rau ăn kèm

Dưa leo rửa sạch, cát lát mỏng vừa ăn. Rau ăn kèm nhặt bỏ lá sâu, úa, dập úng, đem rửa vài lần với nước cho sạch rồi để ráo nước.

Khế, chuối xanh rửa sạch, cắt lát mỏng rồi đem ngâm trong nước muối pha loãng để tránh bị thâm đen. 

Bước 2: Sơ chế và ướp thịt bò

Để sơ chế thịt bò không bị hôi, bạn dùng muối chà xát lên bề mặt thịt khoảng 5 phút rồi rửa lại với nước. Sau đó để ráo hoặc dùng khăn khô sạch thấm nước rồi cắt thịt thành lát mỏng vừa ăn. 

Ướp thịt bò
Ướp thịt bò

Ướp thịt với ⅔ sả băm, ⅔ tỏi băm và 1 muỗng cà phê hạt nêm, trộn đều cho thịt thấm gia vị. Tuy nhiên, một số người sẽ không ướp thịt bò để thưởng thức được hương vị tự nhiên của thịt, bạn tùy vào sở thích để chế biến cho phù hợp nhé.

Bước 3: Nấu nước giấm để nhúng bò

Bạn cho vào nồi nước dừa tươi, hành tây, 1 chén giấm, ½ phần hành tím băm, thơm cắt lát, bắc lên bếp và đun sôi. Để nước nhúng giấm ngon đúng điệu thì bạn nêm thêm: 1 muỗng đường, 1 muỗng hạt nêm và một muỗng cà phê muối. 

Bước 4: Pha mắm nêm ăn kèm

Cho chảo lên bếp, đun nóng 2 muỗng dầu ăn rồi cho phần hành tím, sả, tỏi băm còn lại vào phi thơm. Tiếp đó, bạn cho thêm 1 chén nước lọc, 5 muỗng mắm nêm, thơm băm nhỏ và ớt vào đun sôi, sau đó nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị của gia đình rồi tắt bếp.

Pha mắm nêm ăn kèm
 Pha mắm nêm ăn kèm

Bạn xếp rau, thịt, chuối, khế, bánh tráng và bún lên đĩa. Chuẩn bị một chiếc bếp ga hoặc bếp điện mini đặt giữa bàn, đặt nồi nước dùng lên, khi nước sôi thì nhúng thịt bò tái rồi cuốn cùng bánh tráng và các nguyên liệu ăn kèm, đảm bảo ai ăn cũng mê.

2. Lẩu bò nhúng giấm

Lẩu bò nhúng giấm
Lẩu bò nhúng giấm

Nguyên liệu làm lẩu bò nhúng giấm

Thịt bò: 1 kg

Hành tây: 1 củ

Thơm (dứa): ½ trái

Nước dừa tươi: 1,5 lít

Bún tươi: 0,5kg

Tỏi: 4 tép

Sả: 2 cây

Ớt hiểm: 2 trái

Hành tím: 1 củ

Giấm: 100ml

Gia vị: 30g đường phèn, 2 muỗng canh dầu ăn, 1 ít muối và đường, mắm nêm, hạt nêm

Chuối xanh, xà lách, rau thơm bạc hà, giá đỗ, rau mùi, dưa chuột, khế, chanh

Cách làm lẩu bò nhúng giấm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Sả bóc bỏ vỏ ngoài, cắt gốc, rửa sạch rồi đập dập và cắt khúc.

Ớt hiểm bỏ cuống, rửa sạch, tỏi và hành tím lột vỏ rồi băm nhuyễn cả ớt, tỏi và hành tím.

Thơm gọt sạch vỏ, rửa sạch, để ráo rồi chia thành 2 phần: 1 phần băm nhuyễn và 1 phần cắt lát mỏng. Chuối và khế rửa sạch, cắt lát mỏng rồi ngâm trong nước muối pha loãng. 

Thái mỏng khế chua
Thái mỏng khế chua

Dưa leo rửa sạch, cắt lát mỏng vừa ăn. Rau ăn kèm nhặt sạch, rửa sạch rồi để ráo nước. Hành tây bóc vỏ, 1 nửa cắt múi cau, 1 nửa cắt lát mỏng. 

Bước 2: Sơ chế thịt bò

Thịt bò sơ chế như cách trên sau đó cắt lát mỏng. Nhớ cắt ngang thớ cho thịt mềm. Sau đó cho phần hành tây cắt lát mỏng vào đĩa thịt và trộn đều. 

Bước 3: Pha mắm nêm chấm thịt

Pha mắm nêm chấm thịt
Pha mắm nêm chấm thịt

Bạn cho vào chén phần thơm đã được băm nhuyễn cùng với 2 muỗng canh đường, 4 muỗng canh mắm nêm, trộn đều để các nguyên liệu hòa tan với nhau.

Bước 4: Cách làm nước lẩu bò nhúng giấm

Cho nồi lên bếp và thêm 2 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng. Tiếp đó cho sả vào phi thơm, rồi cho hỗn hợp hành tím, tỏi và ớt hiểm băm vào, xào đều tay khoảng 2 phút.

Sau đó, cho 100ml giấm, 1.5 lít nước dừa, 30g đường phèn và hành tây vào đảo đều rồi nấu trong khoảng 5 phút với lửa vừa. Nêm nếm lại cho vừa ăn rồi nhúng thịt bò cùng rau vào và thưởng thức.

Thành phẩm lẩu bò nhúng giấm
Thành phẩm lẩu bò nhúng giấm

Nước lẩu đậm đà, chua chua, ngọt ngọt kết hợp với thịt bò dai mềm, sự tươi mát của các loại sau ăn kèm cùng nước chấm chuẩn vị mang đến hương vị ngon khó cưỡng. 

3. Một số lưu ý khi thực hiện món bò nhúng giấm

Chọn mua thịt bò tươi, ngon

Nên chọn thịt bò có màu đỏ tươi chứa các đường gân trắng xen kẽ, phần mỡ bò có màu vàng tươi. Khi dùng tay ấn nhẹ vào thịt thì cảm nhận được độ đàn hồi và săn chắc tốt, thớ thịt nhỏ và không quá mịn. 

Không mua thịt có màu đỏ sẫm, tái xanh, phần mỡ vàng đậm, xuất hiện mùi hôi tanh, khi sờ vào thấy thịt dính nhớt. Đây là biểu hiện của thịt để lâu ngày.

Chọn mua rau ăn kèm

Khế chua và chuối chát xanh chắc hẳn là hai cái tên không thể thiếu để món bò nhúng giấm trở nên ngon và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các loại rau như xà lách, dưa leo, kinh giới, rau mùi,... cũng sẽ giúp tăng hương vị cho món ăn và bổ sung các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ.

Một số lưu ý trong quá trình chế biến bò nhúng giấm

  • Nên chọn thịt bắp bò hoặc thịt thăn bò vì phần thịt này mềm, ngon.

  • Không cho quá nhiều giấm khi nấu nước dùng vì vị chua của giấm có thể lấn át hương vị của thịt bò.

  • Khi sơ chế các loại rau ăn kèm, nên ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn và độc tố, đảm bảo an toàn khi sử dụng.

  • Thịt nhúng tái sẽ thơm, mềm và giữ được vị ngọt đặc trưng. Không nhúng quá lâu sẽ khiến thịt bị dai.

Xem thêm:

7355 Lượt xem