Cách làm vịt nấu chao không hề bị hôi
Vịt nấu chao là một trong những món được nhiều người yêu thích bởi vịt thơm mềm, bùi béo của chao rất hấp dẫn. Vậy vịt nấu chao có gì đặc biệt và cách làm vịt nấu chao như thế nào cho chuẩn vị? Cùng theo chân Barona vào bếp ngay nhé!
1. Cách làm vịt nấu chao khoai môn
Sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt vịt, khoai môn tạo nên một món ăn khó lòng chối từ đó là vịt nấu chao khoai môn. Cách làm món ăn này không hề khó như bạn nghĩ, bạn chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu và làm theo các bước Barona hướng dẫn, thành phẩm khiến bạn phải ngạc nhiên đó.
1.1. Nguyên liệu
-
600g thịt vịt
-
300g khoai môn
-
100g chao
-
400ml nước dừa
-
Hành tím, tỏi, ớt, chanh cắt lát
-
Gia vị: nước mắm, đường, dầu ăn, bột ngọt, muối
-
400g bún tươi
-
Rau ăn kèm: cải xanh, rau muống
1.2. Chế biến vịt nấu chao khoai môn
Để món vịt nấu chao thơm ngon thì bước chế biến vịt rất quan trọng bởi phần lớn nó sẽ quyết định đến chất lượng của món ăn.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt vịt khi mua về bạn nên rửa qua với nước sạch, sau đó chà xát muối lên vịt, kế đến dùng chanh massage nhẹ nhàng lên toàn bộ thân vịt, như vậy sẽ làm giảm mùi hôi của thịt vịt. Rửa lại vịt với nước sạch và để ra rổ cho ráo nước.
Khoai môn bạn đem gọt bỏ phần vỏ, rửa lại với nước cho sạch sau đó cắt miếng vừa ăn.
Hành tím, ớt băm nhuyễn.
Rau muống, rau cải xanh nhặt bỏ lá úa, rửa sạch và cắt khúc.
Bước 2: Ướp thịt vịt
Sau khi các nguyên liệu đã được sơ chế sạch, bạn đem ướp thịt vịt với hành tím, tỏi, ớt, 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, 1.5 muỗng canh bột ngọt, 1.5 muỗng canh muối, 2 muỗng canh nước chao. Trộn đều tất cả cho các gia vị thấm đều và ướp trong 30 phút.
Bước 3: Chiên khoai môn
Cho dầu vào chảo, khi dầu nóng thì bạn cho khoai môn vào chiên đến khi vàng giòn 2 mặt thì vớt ra cho ráo dầu.
Chiên khoai môn như vậy sẽ giúp món ăn có mùi thơm hơn và khoai môn sẽ không bị vỡ nát khi nấu.
Bước 4: Làm vịt nấu chao
Phi thơm hành tím và tỏi đến khi ngả sang màu vàng và dậy mùi thơm. Cho hết phần vịt đã ướp vào nồi và xào đến khi thịt vịt săn lại thì thêm nước dừa vào.
Đậy nắp và nấu trong khoảng 13-15 phút rồi thêm khoai môn cùng 350ml nước lọc. Nấu tiếp đến khi khoai môn chín mềm thì tắt bếp.
Bước 5: Làm chao chấm vịt
Cho vào chén ½ muỗng canh đường, 2 muỗng chao cùng 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, khuấy đều cho tan các nguyên liệu sau đó thêm tỏi, ớt băm nhỏ.
Thành phẩm
Vậy là đã hoàn thành món vịt nấu chao rồi. Khi thưởng thức bạn có thể nhúng rau muống và rau cải xanh vào nồi đến khi rau vừa chín tới cho vào tô bún, chan thêm xíu nước dùng ta nói nó “ngon xuất sắc”. Thịt vịt mềm ngọt không hề bị hôi, nước dùng đậm đà, ngọt thanh của nước dừa hòa cùng khoai môn mềm dẻo.
2. Cách làm vịt nấu chao măng tươi
Vịt nấu chao măng tươi được nhiều gia đình ưa chuộng trong mâm cơm hàng ngày. Những ngày hè nóng nực nhiều chị em nội trợ thường trổ tài cho cả gia đình thưởng thức món ăn này.
2.1. Nguyên liệu làm vịt nấu chao
-
½ con vịt
-
400g chao
-
200g măng tươi
-
200g bún tươi
-
Rau ăn kèm: rau muống, rau cải xanh,...
-
Gừng, tỏi, hành tím
-
Gia vị: rượu trắng, dầu ăn, muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu.
2.2. Chế biến vịt nấu chao măng tươi
Cách chế biến vịt nấu chao măng tươi không hề khó, chỉ cần bạn bỏ ra một chút thời gian là đã có ngay một nồi vịt nấu chao măng tươi chất lượng, không hề kém cạnh so với ở ngoài hàng.
Bước 1: Sơ chế măng tươi
Măng củ tươi sẽ được dùng nhiều hơn trong món vịt nấu chao bởi khi nấu măng vẫn sẽ có độ giòn và ngọt.
Bạn gọt bỏ phần gốc măng già, chẻ măng làm đôi rồi thái thành miếng mỏng vừa ăn.
Để loại bỏ độc tố trong măng, khi luộc măng bạn cho thêm 1 thìa muối hột, lưu ý khi luộc măng bạn nên mở nắp nồi để các chất bảo quản măng sẽ bị bay hơi đi.
Sau khi luộc măng khoảng 5 phút bạn vớt ra rửa sạch và tiến hành luộc măng lần 2. Do măng khá nhiều độc tố nên bạn cần luộc 2-3 lần đến khi nước luộc măng trong, không có màu vàng đục. Vớt măng và rửa lại với nước sạch.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Tỏi, hành tím băm nhỏ.
Rau ăn kèm bạn nhặt bỏ phần lá già, ngâm nước muối loãng, rửa sạch và vớt ra để ráo.
Vịt làm sạch, khử mùi tanh sau đó chặt thành miếng vừa ăn.
Bước 3: Ướp thịt vịt
Bạn cho phần tỏi băm và hành băm vào ướp với thịt vịt, cho thêm 400g chao, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh đường. Trộn đều rồi ướp trong 30 phút cho vịt thấm đều gia vị.
Bước 4: Vịt nấu chao và măng tươi
Phi thơm hành tỏi băm, cho thịt vịt vào xào đến khi săn lại rồi thêm 2 lít nước lọc và đun nhỏ lửa trong 30 phút. Kế đến cho măng vào nấu, thêm 1 muỗng canh đường, 1/4 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê tiêu. Bạn nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn rồi nấu trong 5 phút nữa là có thể tắt bếp.
Thành phẩm
Khi ăn các bạn ăn kèm với bún, rau ăn kèm và chấm với chao là “hết sẩy”. Món vịt nấu chao măng tươi bắt mắt, nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay rồi.
Thịt vịt mềm nhưng vẫn giữ được độ ngọt, nước dùng vừa phải, điểm nhấn là măng tươi ăn giòn giòn ngọt ngọt rất vui miệng.
3. Vịt nấu chao ăn rau gì ngon?
Vịt nấu chao thường được ăn kèm với rau sống sẽ giúp món ăn thanh mát và bớt ngán hơn.
Vịt nấu chao cũng thường kết hợp với rau muống, rau cải xanh, rau cần hay các loại rau thơm như mùi tàu.
Ngoài ra bạn cũng có thể ăn kèm với giá sống cũng rất ngon miệng. Bạn có thể chấm cùng với nước của vịt nấu chao bởi nước sốt là linh hồn của món ăn sẽ khiến bạn mê mẩn luôn đó.
Bạn có thể làm lẩu vịt nấu chao, như vậy sẽ có thể thưởng thức những loại rau ăn kèm như các món lẩu khác như: rau cải thảo, rau cải cúc, ngải cứu,...
4. Hướng dẫn chọn mua vịt ngon, chắc thịt
Để cho món ăn trở nên hoàn hảo thì trước hết các nguyên liệu cần tươi ngon và đặc biệt là vịt phải ngon và chắc thịt. Bạn tham khảo bí quyết để lựa chọn được vịt ngon bên dưới đây nhá.
Vịt sống
Vịt ngon là vịt có ngày tuổi vừa đủ, không quá non cũng không được quá già, cân nặng vừa phải không được gầy quá hay béo quá.
Vịt ngon thường có vùng da bụng và da cổ dày, mọc đủ lông, khi cầm nặng tay, bạn nên chọn những con như thế này.
Ngoài ra khi chọn bạn không nên lựa vịt siêu nạc hay có nhiều lông tơ, như vậy thịt sẽ không ngon và mất nhiều công sức chế biến.
Những con vịt đã đẻ nhiều lứa thường có vùng da dưới bụng xệ xuống, bạn không nên chọn bởi thịt sẽ rất dai.
Vịt làm sẵn
Với vịt đã làm sẵn bạn nên chọn những con vừa mới mổ, thịt vẫn còn ấm. Lớp da bên ngoài có màu vàng không quá sậm, không nên chọn những con có lớp da ngoài có vết bầm hay dấu hiệu bất thường.
Bạn dùng tay ấn nhẹ vào thịt sẽ có độ đàn hồi, chắc thịt. Với những con khi bạn ấn tay vào cảm thấy mềm nhũn và biến dạng thì những con đó có thể đã bị tiêm nước vào.
5. Hướng dẫn mua măng ngon
Khi chọn lựa măng bạn nên quan sát màu sắc bên ngoài, măng không ngâm hóa chất sẽ có màu hơi thâm đen, trong khi đó măng ngâm hóa chất sẽ có màu trắng phau hoặc vàng đậm thì không nên chọn.
Với những loại măng ngâm hóa chất sẽ có màu sắc bắt mắt và bóng đẹp hơn, măng sạch sẽ không có độ bóng và nhanh thối nên khó bảo quản lâu.
Măng tươi sẽ ít giòn hơn, dai hơn và khó bẻ gãy, còn măng ngâm hóa chất sẽ giòn xốp và dễ bị bẻ gãy hơn.
Một trong số cách chọn măng chuẩn đó là bạn nên ngửi mùi măng, nếu măng có mùi thơm tự nhiên thì nên mua, còn măng có mùi khét, hắc thì bạn tuyệt đối không chọn những cây măng này.
Kết luận
Như vậy Barona đã giới thiệu đến bạn cách làm vịt nấu chao vừa ngon lại vừa không có mùi hôi. Cuối tuần cả gia đình quây quần bên nồi vịt nấu chao ăn cùng với bún tươi thì vui phải biết. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm: